CẬP NHẬT CÁC VĂN BẢN PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC XÂY DỰNG

GREENARCHI LÀ THƯƠNG HIỆU ĐÃ ĐƯỢC BẢO HỘ

GIÚP BẠN TÌM HIỂU VỀ KIẾN TRÚC-KIẾN TRÚC XANH-KIẾN TRÚC BỀN VỮNG

Báo Petrotimes (năng lượng mới): Nhà xây từ bao cát

(PetroTimes) -  Sự biến đổi khí hậu đang đe doạ huỷ diệt Trái đất ngay trong thế kỷ 21. Thế kỷ qua, trái đất đã ấm lên 0,4 – 0,8 °C, ấm nhất trong suốt 1000 năm qua, mực nước biển đã dâng cao thêm khoảng 20cm. Dự báo vào năm 2100, nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ tăng từ 1,5°C đến 6°C và mực nước biển dâng cao từ 15cm đến 95cm. Nếu thảm hoạ Biến đổi khí hậu xảy ra thì Việt Nam sẽ là một trong năm quốc gia trên thế giới phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất!
Các nhà khoa học nhận định, sự tăng nhanh của tần suất và cường độ các thiên tai trên thế giới, cũng như trận mưa lớn gây lũ lụt Hà Nội và triều cuờng TP HCM vừa qua là những biểu hiện của Biến đổi khí hậu. Một trong những nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu trái đất là Công nghiệp xây dựng. Đó là sản phẩm tiêu thụ năng lượng lớn, có khả năng gây ô nhiêm môi trường ở hầu hết các khâu từ sản xuất vật liệu, quá trình thi công cho đến vận hành sử dụng công trình.


Trong Kiến trúc, xây dựng hiện nay luôn tìm kiếm những công nghệ vừa nhanh, vừa rẻ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và có tính nhân văn cao để thay thế dần những công nghệ cũ tiêu tốn năng lượng và tạo ra lượng khí thải CO2 rất lớn. Theo PGS.TS Ngô Thám (ĐH Kiến trúc Hà Nội): "Kiến trúc xanh là kiến trúc đảm bảo điều kiện tiện nghi đầy đủ nhất cho con người sống, sinh hoạt và làm việc trong đó nhưng lại tiêu phí năng lượng và tài nguyên ít nhất, thải ra ít chất thải nhất, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và đảm bảo được mối quan hệ hài hoà giữa con người và thiên nhiên". Một trong những công nghệ kiến trúc xanh được nghiên cứu trên thế giới hiện nay là công nghệ dùng bao đất, cát (Earthbag) gọi chung là bao cát để làm nhà. Xu hướng này được bắt đầu từ các quốc gia châu Phi, với Nam Phi, Namibia, Mozambique, Madagascar và Zimbabwe nay đã lan đến các châu lục khác nhau trên thế giới, như Mexico, Ukraine, Chile, Uruguay, Ấn Độ...
Việc sử dụng bao cát không hề xa lạ với người Việt Nam. Bao cát được sử dụng để ngăn lũ, hào lũy, hầm trú ấn, nhà tạm trong chiến tranh. Từng bao đất, bao cát được khai thác tại chỗ, xếp chồng lên nhau được dùng trong những hoàn cảnh, mục đích khác nhau. Việc ứng dụng để làm nhà ở đang bắt đầu được nghiên cứu. Với lợi thế bờ biển dài, nhiều đảo lớn nhỏ, tài nguyên đất cát bất tận sẽ là một nguồn vật liệu xây dựng thân thiện môi trường nhất hiện nay.
Kiến trúc nông thôn hiện nay đang bị biến dạng nghiêm trọng, những ý kiến tâm huyết của các nhà chuyên môn đã nói rõ vấn đề này. Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thử, một người cả đời tâm huyết với kiến trúc nông thôn (ông là một trong những kiến trúc sư đầu tiên của ĐH Kiến Trúc Hà Nội, khóa 1961-1966) trong một lần hàn huyên, tác giả xót xa: "Làng quê giờ đây đang dần thiếu vắng những lũy tre, hàng rào râm bụt, những ao hồ dần dần bị san lấp, thu hẹp. Trong tận hang cùng ngõ hẻm, ta bắt gặp những nhà ống với những khung nhôm cửa kính giữa khoảnh vườn rộng cho dù đó là ở miền núi hay đồng bằng".
Mặt khác, việc khai thác kiệt cùng tài nguyên đất, đá, khoáng sản để làm gạch đất nung, sản xuất xi măng sắt thép, bê tông... gây ra những thảm họa khôn lường và hậu quả nhãn tiền chúng ta đang phải đối mặt. Với việc sử dụng vật liệu dồi dào tại chỗ mà không hoặc chi phí rất thấp, công nghệ thi công rất đơn giản, người dân có thể tự làm cho mình một ngôi nhà khang trang sạch đẹp từ 2 tầng trở xuống, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Mặt khác, với khả năng tùy biến mềm dẻo của bao cát kết hợp với công nghệ xây dựng phổ biến hiện nay, các kiến trúc sư ít bị hạn chế về ý tưởng trong việc thiết kế những công trình dạng biệt thự, resort, nhà ở, quán bar, nhà hàng, trung tâm văn hóa...
Với những lợi ích về nhiều mặt như vậy, trong tương lai không xa, nếu được định hướng tốt, công nghệ xây nhà bao cát sẽ phát triển ở Việt Nam để thay thế một phần công nghệ xây dựng phổ biến hiện nay.
Đặng Văn Doanh